Trung Tâm Ngoại Ngữ ASEP

ĐƯỜNG N7A, KV3, PHƯỜNG 5, TP. VỊ THANH, TỈNH HẬU GIANG

QUY ĐỊNH VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ THEO HIỆP ĐỊNH EVFTA


Trong xu thế hội nhập vô cùng năng động, các hoạt động thương mại, đầu tư phát triển vô cùng mạnh mẽ, các loại quan hệ này đều diễn ra rất đa dạng và phức tạp. Thực hiện các cam kết theo Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, an toàn, minh bạch đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu và thực thi Hiệp định, kể từ ngày Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực, đối với các vụ kiện mà Chính phủ Việt Nam là bị đơn, Việt Nam có nghĩa vụ công nhận và thực hiện các phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (từ Điều 423 đến Điều 431 và từ Điều 451 đến Điều 463) quy định thủ tục công nhận, từ chối công nhận thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
Tuy nhiên, các Điều 3.38 và Điều 3.39 của Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam và EU (EVIPA) quy định về Cơ quan giải quyết tranh chấp do đại diện của hai Bên chỉ định, bổ nhiệm. Do đó, Cơ quan giải quyết tranh chấp của Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam và Liên minh châu Âu là hệ thống giải quyết tranh chấp thành lập theo điều ước quốc tế, độc lập với pháp luật của mọi quốc gia và đối với pháp luật Việt Nam. Pháp luật Việt Nam chỉ quy định về trọng tài nước ngoài, chưa có quy định liên quan đến phán quyết của loại cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định nêu trên.
 
Hiệp định EVIPA được ký kết vào ngày 30/6/2019. Ban đầu, EVIPA nằm trong EVFTA, tuy nhiên vào tháng 9/2017, do phát sinh một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các FTA của EU, EU đã chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư, và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước ra khỏi EVFTA thành một hiệp định riêng. Hiện tại, EVIPA vẫn chưa có hiệu lực. Để có hiệu lực, Hiệp định này phải được Nghị viện châu Âu và từng thành viên EU phê chuẩn.
Đặc điểm nổi bật nhất của EVIPA là Hiệp định này thiết lập một Tòa án gồm hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Các thành viên của hai cấp xét xử này sẽ đảm nhiệm vai trò như các thẩm phán trong nhiệm kỳ 04 năm và có thể được tái bổ nhiệm 01 lần; 5 trên tổng số 9 thành viên được bổ nhiệm từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực sẽ có nhiệm kỳ 6 năm. Trong số đó, ba thành viên mang quốc tịch của một trong các nước thành viên EU, ba thành viên mang quốc tịch Việt Nam và ba thành viên mang quốc tịch của nước thứ ba, một trong số các thành viên được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng tài phán và một trong số các thành viên được bổ nhiệm là Phó Chủ tịch Hội đồng tài phán, thông qua bốc thăm ngẫu nhiên bởi Chủ tịch Uỷ ban đầu tư. Ngoài ra, EVIPA cũng quy định, Hội đồng tài phán phúc thẩm xem xét lại các phán quyết tạm thời của Hội đồng tài phán thông qua thủ tục phúc thẩm; theo đó sẽ có 6 trọng tài viên, trong đó 2 trọng tài viên có quốc tịch một trong số nước thành viên EU, 2 trọng tài viên có quốc tịch Việt Nam, và 2 trọng tài viên có quốc tịch nước thứ ba.
Hiện tại, cơ chế này mới bắt đầu manh nha được sử dụng tại một số ít các hiệp định về đầu tư, chủ yếu là các hiệp định có sự tham gia đàm phán của EU.
Trên thực tế, cơ chế Tòa án hai cấp xét xử là không mới, đã từng được nhiều quốc gia lựa chọn giải quyết tranh chấp trong các điều ước quốc tế mà mình tham gia. Trong đó, phổ biến nhất là cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay các Hiệp định trong khuôn khổ ASEAN hay ASEAN. Tuy nhiên, điểm chung của cơ chế đó là chỉ giải quyết các khúc mắc, tranh chấp giữa Nhà nước với Nhà nước, với phạm vi liên quan đến thương mại hàng hóa, dịch vụ, mà không chuyên biệt cho tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư. Do đó, việc EU có cách tiếp cận giải quyết tranh chấp đầu tư bằng Tòa án hai cấp xét xử là khá mới khi so sánh với các Hiệp định Bảo hộ đầu tư song phương (BIT) trước đây hay ngay cả CPTPP. EVIPA đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp này trong một hiệp định bảo hộ đầu tư. Không chỉ với Việt Nam, EU đã lựa chọn Tòa án hai cấp xét xử làm cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư trong các hiệp định về đầu tư khác mà EU tham gia như Hiệp định Kinh tế và thương mại toàn diện EU và Canada (CETA), Hiệp định bảo vệ đầu tư giữa EU và Singapore (EUSIPA).
Về trình tự khởi kiện, giống như các phương thức giải quyết tranh chấp khác, để bắt đầu quá trình khởi kiện, trước hết, nhà đầu tư phải gửi yêu cầu tham vấn đến bên còn lại. Nếu tranh chấp không thể giải quyết bằng cách giải quyết tranh chấp thay thế ngoài tài phán như đàm phán hay hòa giải, trong vòng 06 tháng kể từ ngày nguyên đơn yêu cầu tiến hành các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp hoặc trong vòng 03 tháng kể từ ngày họ gửi thông báo dự định nộp hồ sơ khiếu kiện, Hội đồng tài phán sẽ được thành lập trong vòng 90 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ khiếu kiện và sẽ tiến hành tố tụng theo một thủ tục chặt chẽ về thời gian. Trong vòng 18 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ khiếu kiện, Hội đồng tài phán sẽ ban hành phán quyết tạm thời và thời hạn giải quyết khiếu nại dựa trên yêu cầu của bên tranh chấp sẽ không vượt quá 06 tháng. Theo đó, thời hạn thủ tục tố tụng trong EVIPA chỉ kéo dài khoảng 02 năm và không cho phép bất cứ sự trì hoãn nào đối với quá trình tố tụng nêu trên.
Về phương thức giải quyết tranh chấp thân thiện, Điều 3.4, 3.29 và 3.31 EVIPA quy định về phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải và khuyến khích việc đạt được thỏa thuận ngoài tố tụng. Cụ thể, Phụ lục 10 EVIPA quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua trung gian hòa giải.




 

Thong ke

?t cu h?i mi?n ph

0901078929